Dù biết người thuê cũng khó khăn nhưng nhiều chủ nhà không thể giảm giá thuê cho khách vì bản thân cũng rơi vào tình thế khó khăn.
Sáng 30/9/2020, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai đồng loạt tổ chức lễ khởi công 03 Dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Tại lễ khởi công Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, về phía Trung ương, tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Về phía địa phương, có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai; lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Ông Phạm Kim Châu – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đạt Phương - Đại diện liên danh các nhà thầu cam kết sẽ thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8 km. Điểm đầu: Km134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo); Điểm cuối: Km235+00, giao với đường QL1 đi Mỹ Thạnh tại Km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây); Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án 7 (Ban QLDA 7) - Bộ Giao thông vận tải. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,900 tỷ đồng.
Trong giai đoạn trước mắt, đầu tư phân kỳ với quy mô 04 làn xe, bề rộng mặt đường Bmặt=16m, bề rộng nền đường Bnền=17m. Vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh, đầu tư xây dựng 06 làn xe, bề rộng nền đường Bnền =32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh: Với sự đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận, địa phương đã cố gắng tạo mọi điều kiện để quá trình triển khai Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được thuận lợi, đạt tiến độ đề ra. Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay địa phương đã bàn giao cho Ban QLDA 7 và Nhà thầu thi công trên 97,5% diện tích dự án, đảm bảo đủ điều kiện để triển khai thi công.
Trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cam kết địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực để giải quyết các tồn tại, bàn giao phần diện tích mặt bằng còn lại đúng tiến độ, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực dự án đi qua để không làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn cung ứng các vật tư, vật liệu thiết yếu để thi công hoàn thành Dự án đạt chất lượng, đúng tiến độ yêu cầu.
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai gửi lời cảm ơn Đảng, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành Trung ương đã quan tâm và đầu tư cơ sở hạ tầng cho tỉnh. Cảm ơn Ban QLDA 7, đã đồng hành, hỗ trợ, phối hợp địa phương trong quá trình thực hiện vai trò Chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tập thể chính quyền và sự đồng tình, cảm thông của Nhân dân các huyện có Dự án đi qua trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao cho Ban QLDA 7 triển khai thi công Dự án đúng kế hoạch.
Trong thời gian tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn bà con trong khu vực dự án hết sức thông cảm, chia sẽ, hợp tác cùng với chính quyền địa phương vì mục đích chung, chấp hành tốt các chính sách, hỗ trợ, bồi thường của nhà nước khi thu hồi đất để thực hiện dự án.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Việc phát triển cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thúc đẩy hạ tầng giao thông vận tải, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 03 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác cùng với các dự án thành phần khác sẽ từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 03 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ thống cao tốc Bắc - Nam, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tập trung phát triển tuyến đường cao tốc này. Việc phát triển tuyến đường này sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua; phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Đặc biệt, đối với các địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, việc phát triển cao tốc sẽ thúc đẩy kinh tế biển của các địa phương này.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện nay, cả 03 dự án thành phần đã hoàn thiện thủ tục, đủ điều kiện để khởi công theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương các nhà tư vấn, các nhà thầu đã tham gia một cách tích cực. Ghi nhận, biểu dương các địa phương. Phó Thủ tướng nêu rõ: “Không có các địa phương quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, dự án không thể nào khởi công được”.
Để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án đi vào sử dụng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ban QLDA 7, các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với địa phương, tập trung gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Các đơn vị tập trung tối đa nhân lực, vật lực, thực hiện dự án an toàn cả trong quá trình thi công và khai thác sử dụng; đảm bảo chất lượng dự án; đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát; đảm bảo tiến độ, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng. Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ dự án này.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị nhân dân địa phương tạo mọi điều kiện để dự án được đẩy nhanh tiến độ; đồng thời đề nghị các nhà thầu, chủ đầu tư quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân; tạo điều kiện cho nhân dân tái định cư, ổn định cuộc sống.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị chu đáo để triển khai 05 dự án còn lại; Bộ Giao thông vận tải rà soát quy hoạch về giao thông, cao tốc Việt Nam, từ đó xây dựng kế hoạch để xây dựng hệ thống cao tốc của Việt Nam. Phấn đấu đặt mục tiêu vào năm 2030 đưa thêm 5.000 km cao tốc vào hoạt động.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cân đối nguồn vốn đầu tư công; rút kinh nghiệm chuẩn bị công tác chuẩn bị đầu tư thật tốt.
Một số hình ảnh về lễ khởi công: