Đột phá - kết nối Bình Thuận với vùng kinh tế phía Nam
14/09/2020
449 lượt xem
Để Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây được khởi công đúng tiến độ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tập thể Đảng bộ, chính quyền và sự đồng tình, cảm thông của nhân dân các huyện có dự án đi qua trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao cho Ban Quản lý dự án 7 triển khai thi công dự án đúng kế hoạch.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng tham dự lễ khởi công tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Đ.H
Năm 2019, Bình Thuận là một trong những tỉnh thu hút vốn đầu tư dẫn đầu cả nước khi ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư cho 14 dự án, tổng vốn 19 tỷ USD từ nước ngoài và 30.696 tỷ đồng cho các dự án do các doanh nghiệp trong nước triển khai. Các nhà đầu tư đã “đi tắt đón đầu” khi dự án cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây khởi công, bởi tầm quan trọng của hạ tầng giao thông sẽ quyết định chiến lược kinh doanh, lợi nhuận...
Ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Bình Thuận tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong tổng thể phát triển chung của cả nước và khu vực. Bình Thuận huy động cao nhất các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, sớm rút ngắn chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho biết: Bình Thuận đang xây dựng trở thành một tỉnh công nghiệp - dịch vụ theo hướng hiện đại. Tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên với trọng tâm phát triển 3 lĩnh vực trụ cột là du lịch, năng lượng sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn kết với phát triển kinh tế biển. Phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Tiếp tục xây dựng phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics nhằm phát huy tối đa hiệu quả Cảng biển quốc tế Vĩnh Tân…Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng phát triển hạ tầng các khu công nghiệp - dịch vụ – đô thị hiện đại. Tiếp tục thực hiện đề án trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, mở rộng phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi, năng lượng điện gió, mặt trời... Xây dựng Bình Thuận là một trong những trung tâm sản xuất điện gió, điện mặt trời lớn của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai, nhấn mạnh: Để đạt được những mục tiêu đó, việc đầu tư, phát triển, kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là tuyến đường cao tốc đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Bình Thuận và vùng Nam Trung bộ. Sau khi được Chính phủ đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, cùng với các dự án thành phần khác như Phan Thiết – Dầu Giây, Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ tạo cho Bình Thuận một trục giao thông đối ngoại hiện đại, quan trọng bậc nhất theo chiều dọc. Tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại trong thời gian qua, tạo bước đột phá trong kết nối Bình Thuận với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó tạo động lực mạnh mẽ để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông hiện đang có diễn biến phức tạp...
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, điểm đầu km134+00 phía trước nút giao Vĩnh Hảo trùng với điểm cuối đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Điểm cuối km235+00 giao với quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh tại km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam), trùng với điểm đầu đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Giai đoạn trước mắt đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 16m, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h...
Theo Báo Bình Thuận
|
Tag: