Với bờ biển dài 192km hướng ra biển Đông với đường hàng hải quốc tế, và ít bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thời tiết thiên nhiên, Bình Thuận được đánh giá là một“thỏi nam châm” thu hút đầu tư.Đặc biệt, hạ tầng giao thông ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộcàng làm tăng sức nóng và là trợ lực để Bình Thuận bứt phá mạnh mẽ.
Nói vậy để thấy rằng, tiềm năng phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡngtại Bình Thuận đang rất dồi dào. Từ cuối năm 2018 trở lại đây, Bình Thuận đã chuyển mình thức giấc và đón nhận làn sóng đầu tư mới với sự đổ bộ của nhiều “ông lớn” bất động sản như Novaland với dự án NovaHills Mũi Né hay tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Phan Thiết - Dự án được xây dựng theo mô hình Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí “tất cả trong một” đang được ưa chuộng hiện nay với quy mô gần 1.000 ha.
Bên cạnh các tổ hợp lưu trú hội tụ tinh hoa kiến trúc thế giới, NovaWorld Phan Thiet xây dựng cụm tiện ích đẳng cấp quốc tế lần đầu tiên xuất hiện tại khu vực Phan Thiết như: trung tâm thể thao phức hợp khoảng 220ha gồm cụm sân golf 36 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế đủ điều kiện để đăng kí tổ chức giải PGA Tour (Hội Gôn Thủ chuyên nghiệp), khu thi đấu thể thao trong nhà, ngoài trời, sân vận động…; công viên bãi biển (bikini beach) quy mô khoảng 16ha gồm nhiều tiện ích độc đáo như Ocean Lagoon (bãi biển chắn sóng). Chuỗi tiện ích về thể dục thể thao tại NovaWorld Phan Thiết được kỳ vọng góp phần đưa nơi đây trở thành trung tâm nghỉ dưỡng giải trí, thể thao biển của khu vực châu Á.
Ngoài khai thác lợi thế thiên nhiên với việc phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao trên biển và du lịch khám phá, Bình Thuận còn tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng nhiều điểm đến, các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng như: Bảo tàng nước mắm, Làng chài xưa, Lâu đài rượu vang…
Bình Thuận có chín khu công nghiệp với tổng diện tích là 3.048 ha với hạ tầng hiện đại đồng bộ về nguồn điện, nước, viễn thông, nhà máy xử lý nước thải. Trong đó, các khu công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 2), Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Tuy Phong đang thu hút đầu tư; các khu công nghiệp Sông Bình, Tân Đức, Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II đang triển khai thủ tục đầu tư. Ngoài ra, Bình Thuận có 23 cụm công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh, trong đó 11 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng thu hút các dự án công nghiệp chất lượng vào đầu tư.
Bình Thuận còn có tiềm năng phát triển công nghiệp năng lượng từ nhiệt điện, thủy điện, điện gió và điện mặt trời với tổng công suất quy hoạch 29.000 MW. Đặc biệt, là vùng biển có số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định, nơi này rất phù hợp để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Hiện Bình Thuận, tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, chú trọng các dự án đảm bảo thân thiện với môi trường.
Các lĩnh vực cụ thể gồm: công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ - hải sản; chế biến sâu các loại khoáng sản; chế biến thành phẩm từ nguồn tro xỉ than (vật liệu xây dựng phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng không nung và các sản phẩm làm đường giao thông); các dự án sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện - điện tử. Mở rộng, phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hiện đóng góp khoảng 28% vào GRDP, giải quyết việc làm hơn 60% lực lượng lao động của địa phương.
Bình Thuận có đặc điểm, điều kiện tự nhiên về khí hậu, tài nguyên đất (diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 275.000 ha, hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp với diện tích tưới là 114.000 ha), tài nguyên biển (một trong ba ngư trường lớn của cả nước với 52.000 km2 phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản các loại) thuận lợi cho việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao; nuôi trồng thủy sải sản tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến xuất khẩu.
Trong hội nghị Xúc tiến đầu tư vào ngày 22/9 sắp tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ bảo quản sau thu hoạch,…), xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận.
Thời gian qua, nhiều tuyến quốc lộ đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, trong đó phải kể đến một số dự án trọng điểm như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 55, quốc lộ 28, 28B đi qua địa bàn tỉnh, bảo đảm lưu thông thông suốt an toàn, góp phần tạo động lực phát triển tam giác du lịch: TP. HCM - Bình Thuận - Lâm Đồng.
Đặc biệt các tuyến nội tỉnh được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Đến nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường ven biển Hòa Thắng - Mũi Né và đoạn Mũi Né - Phú Hài.
Hiện tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực cùng với các bộ ngành Trung ương tập trung đầu tư một số công trình giao thông đối ngoại quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Dự án gồm ba thành phần: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 39.650 tỉ đồng.
Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Thuận, cho biết hai dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đã được giải phóng mặt bằng được gần 50%. Trong năm nay tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý 3 hoặc quý 4 năm 2020 sẽ khởi công dự án.
Theo ông Tân, sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án không chỉ tháo gỡ vướng mắc về giao thông đối ngoại, mà còn tạo đòn bẩy cho địa phương này phát triển kinh tế - xã hội và câu chuyện du lịch bứt phá chỉ là sớm muộn.
Ngoài hai tuyến cao tốc này, một loạt dự án hạ tầng đã và sắp triển khai cũng có tác động không nhỏ trong việc phát triển kinh tế Bình Thuận. Trong đó phải kể đến sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy mô từ hơn 5.000 tỉ lên hơn 10.000 tỉ đồng, nâng cấp sân bay này thành một trong ba sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Theo công bố chính thức của UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10.272,9 tỉ đồng, và giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỉ đồng. Với quy mô được nâng lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn. Đối với hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh đang triển khai các thủ tục đầu tư theo hình thức BOT theo chủ trương của Chính phủ.
Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh thành phía bắc như Hà Hội, Hải Phòng… vào tới “thủ phủ resort” Mũi Né cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.
Đặc biệt, sự kiện thông xe cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vừa qua đã đưa Bình Thuận chính thức trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản biển. Trong đó Phan Thiết, Mũi Né hay Lagi là những địa danh “hưởng trọn” nguồn lợi từ sự bứt phá hạ tầng này.
Có thể thấy rằng, hạ tầng giao thông chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch - được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận.
Theo TTDN. Thiết kế: Đại Đặng